Chủ đầu tư: Học Viện Quân Y - Bộ Quốc Phòng
Học viện Quân y tuyển sinh ngành y khoa hệ quân sự gồm 2 tổ hợp môn xét tuyển
Năm 2024, Học viện Quân y tuyển sinh ngành y khoa hệ quân sự gồm 2 tổ hợp môn xét tuyển gồm: Toán-Lý-Hóa; Toán-Hóa-Sinh và y học dự phòng quân sự, tổ hợp môn xét tuyển là Toán-Hóa-Sinh.
Đối tượng tuyển sinh là đối tượng thí sinh nam, nữ trong cả nước, qua sơ tuyển tại cơ quan quân sự địa phương, bảo đảm đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, phẩm chất chính trị, lý lịch rõ ràng, đủ điều kiện kết nạp vào Đảng theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về tiêu chuẩn sức khỏe: Thí sinh nam đạt chiều cao 1,63m, nặng 50kg trở lên. Thí sinh nữ đạt chiều cao 1,54m, nặng 48kg trở lên. Thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không qua 3D, kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10. Tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng sẽ thấp hơn đối với thí sinh ở khu vực 1, hải đảo, dân tộc thiểu số; rất ít người.
Về phương thức xét tuyển năm 2024, Học viện Quân y sẽ xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi (không quá 15% chỉ tiêu).
Đối với thí sinh có kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt giỏi, hạnh kiểm tốt, kết hợp với 1 trong các điều kiện: Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố thuộc một các môn theo tổ hợp xét tuyển; chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 55 trở lên; kết quả thi đánh giá năng lực SAT từ 1.068/1600 điểm trở lên; kết quả thi đánh giá năng lực ACT từ 18/36 điểm trở lên.
Quá trình học tập, các học viên được miễn học phí; được bảo đảm đầy đủ nơi ăn, ở, sinh hoạt, tài liệu học tập, quân tư trang cá nhân… Được hưởng khoản tiền phụ cấp từ khoảng 800.000-1.500.000 đồng/người/tháng (tăng dần theo năm học, bấc bậc quân hàm).
Kết thúc học kỳ, năm học dựa vào kết quả học tập và rèn luyện được xét tặng học bổng của quỹ học bổng Vallet, IBS (10-20 triệu/suất học bổng). 100% học viên được Bộ Quốc phòng điều động, phân công công tác sau khi tốt nghiệp.
Các đại biểu tham dự chương trình tuyên truyền
Đặc biệt, sẽ có khoảng 5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm sau khi kết thúc năm học thứ nhất tại Học viện Quân y sẽ được tuyển chọn để gửi đi đào tạo đại học tại các quốc gia có nền y học phát triển, như: Nga, Cu Ba, Trung Quốc, Ấn Độ,…
Các học viên sau tốt nghiệp đủ điều kiện thi tuyển và thi đỗ bác sĩ nội trú, học viên được điều động công tác tại Học viện Quân y sẽ có cơ hội học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, hoặc gửi đào tạo tại các nước là đối tác truyền thống của Học viện Quân y, như: Singapore, Liên bang Nga, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Cu Ba, Trung Quốc…
Phổ biến cách thức đăng ký thi tuyển vào Học viện Quân y.
Thời gian tổ chức sơ tuyển và đăng ký sơ tuyển
– Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh Quân sự cấp huyện (quận/thị xã, thành phố) trực thuộc tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (Ban TSQS cấp huyện); thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (Ban TSQS cấp trung đoàn).
– Khi đăng sơ tuyển, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội (thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT).
– Chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất).
– Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký sơ tuyển bằng một loại mực (xanh hoặc đen) và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định tại Ban TSQS cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội) hoặc Ban TSQS cấp trung đoàn (đối với quân nhân đang tại ngũ).
– Thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký 1 (một) nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) ngay từ khi sơ tuyển. Trường hợp phát hiện thí sinh nộp từ 2 (hai) hồ sơ sơ tuyển trở lên, sẽ bị loại khỏi danh sách (không được đăng ký xét tuyển vào các trường trong Quân đội).
– Trong hồ sơ đăng ký sơ tuyển, thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng: nộp 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ.
– Khi nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển, thí sinh mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), các giấy tờ tuỳ thân khác để đối chiếu (không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT).
Thực hiện theo Khoản 3, Điều 19 Thông tư số 59: Thí sinh nộp 04 ảnh chân dung cỡ 4 x 6, ảnh chụp thẳng (kiểu chứng minh thư nhân dân), trên nền phông màu xanh hoặc vàng, trong thời hạn 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký dự tuyển; ảnh phải rõ, cùng kiểu, cùng loại, chưa qua xử lý bằng các phần mềm xử lý ảnh.
Tiêu chuẩn về sức khoẻ và tổ chức khám sơ tuyển sức khoẻ
Tiêu chuẩn sức khỏe được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016, một số quy định cụ thể:
– Thí sinh là nam: cao 1,63m trở lên; nặng 50kg trở lên.
– Thí sinh là nữ: cao 1,54m trở lên; nặng 48kg trở lên.
– Đối với những thí sinh bị cận thị hoặc viễn thị không quá 3 đi-ốp, kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10.
– Thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số: được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, trong đó thí sinh nam phải đạt chiều cao 1,60m trở lên, nặng 48kg trở lên; thí sinh nữ phải đạt chiều cao 1,52m trở lên, nặng 46kg trở lên.
– Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc ít người (gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ): thí sinh nam phải đạt chiều cao 1,58m trở lên, nặng 46kg trở lên; thí sinh nữ phải đạt chiều cao 1,52m trở lên, nặng 44kg trở lên; các tiêu chuẩn khác thực hiện như đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung.
Tổ chức khám sức khoẻ: Thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Thông tư số 59.
Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt:
– Đợt 1 vào tuần 3 tháng 4 năm 2024.
– Đợt 2 vào tuần 2 tháng 5 năm 2024
ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀ TỔ CHỨC XÉT TUYỂN
Đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả thi để xét tuyển
Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội
Đăng ký dự thi tại địa điểm do sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố quy định
Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ
– Mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký dự thi tại địa điểm của thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2023 trở về trước) do các ở GD&ĐT các tỉnh, thành phố nơi đơn vị quân nhân đang đóng quân quy định.
– Thời gian đăng ký dự thi thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
– Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi, môn thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký dự thi thêm các bài thi, môn thi phù hợp với bài thi, môn thi trong tổ hợp các môn thi để xét tuyển đại học.
– Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ để xét tuyển đại học, môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển.
– Tổ hợp xét tuyển vào Ngành Y khoa (7720101): Tổ hợp A00 và B00; Ngành Dược học (7720201): A00; Ngành Y học dự phòng (7720110): B00
– Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất).
Điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển
– Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
– Sau khi có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh đã có và nộp hồ sơ sơ tuyển được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1) trong nhóm các trường gồm: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Khoa học Quân sự.
– Thực hiện một điểm chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội; xác định điểm chuẩn riêng cho đối tượng Nam – Nữ; theo thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) và thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam (tính từ Quảng Trị trở vào); thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm tuyển theo hộ khẩu thường trú.
– Trong xét tuyển đợt 1, chỉ xét tuyển đối với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường theo đúng tổ hợp xét tuyển của trường.
– Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào Học viện sẽ được xét tuyển các nguyện vọng kế tiếp vào các trường ngoài quân đội theo thứ tự ưu tiên các nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
– Thực hiện một điểm chuẩn chung giữa 02 tổ hợp xét tuyển A00, B00 đối với Ngành Y khoa.
– Điểm trúng tuyển: Theo Quy định chỉ tiêu cho các đối tượng Nam, Nữ và khu vực phía Nam, phía Bắc.
– Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu, nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, thực hiện xét tuyển theo các tiêu chí phụ như sau:
1) Tiêu chí 1: Thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.
2) Tiêu chí 2: Sau khi xét tiêu chí 1, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 như nhau, thì xét đến tiêu chí 2, như sau: Thí sinh có điểm thi môn Hóa cao hơn sẽ trúng tuyển.
3) Tiêu chí 3: Sau khi xét tiêu chí 2, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 và tiêu chí 2 như nhau thì xét đến tiêu chí 3, như sau: Thí sinh có điểm thi môn Lý hoặc môn Sinh cao hơn sẽ trúng tuyển.
Khi xét đến tiêu chí 3 vẫn chưa đủ chỉ tiêu, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường báo cáo Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Nhà trường thực hiện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh, quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Quốc phòng (có hướng dẫn về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển riêng).
Thông tin liên lạc: Trung tá Cao Vô Sản, Phòng Đào tạo, Học viện Quân y, ĐT: 0983510555
Thiếu tướng, PGS, TS Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Quân y giới thiệu với các em học sinh về Nhà trường.